Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014

Phong cách kiến trúc Roman ở bảo tàng Lịch sử tự nhiên vương quốc Anh

Vương quốc Anh nổi tiếng với những công trình vĩ đại tính từ thời cổ đại, hầu hết các kiến trúc đều được xây dựng theo kiến trúc Roman. Hãy cùng chiêm ngưỡng phong cách kiến trúc Roman ở bảo tàng Lịch sử tự nhiên vương quốc Anh theo bài viết dưới đây




Tạp chí The Times số ra ngày 18.4.1881 đã gọi kiến trúc bảo tàng Lịch sử tự nhiên ở Anh là “Ngôi đền của thiên nhiên”, toà kiến trúc mang phong cách Roman ấy đến nay đã hơn 130 năm tuổi, và vừa nhận danh hiệu Bảo tàng xuất sắc nhất trong số những bảo tàng xuất sắc tại Anh trong lễ trao giải diễn ra giữa tháng 5.2013.

Bảo tàng Lịch sử tự nhiên của Anh nằm trên đường Cromwell ở thủ đô London hiện dẫn đầu thế giới về số lượng bộ sưu tập mẫu vật thiên nhiên (70 triệu mẫu vật), và được người dân London ví là “ngôi nhà của khủng long”. Ngay phần không gian trưng bày của bảo tàng, điểm nhấn nổi bật tại sảnh chính là bộ xương hoá thạch của giống khủng long Diplodocus khổng lồ, ở các phòng triển lãm kế cận là vô số các hoá thạch khủng long khác sưu tầm từ khắp thế giới. Kiến trúc của bảo tàng cũng là một kiệt tác trong thiết kế và xây dựng, bởi đây là bảo tàng hiếm hoi trên thế giới có được sự kết hợp hoàn hảo giữa nghệ thuật trang trí kiến trúc với nội dung trưng bày của bảo tàng.

Từ một sự thay đổi

Theo thiết kế ban đầu, bảo tàng Lịch sử tự nhiên không hề có lối kiến trúc kiểu Roman như hiện nay. Vào những năm 1850, ý tưởng xây dựng bảo tàng tự nhiên hình thành từ nhu cầu thiết yếu của bảo tàng Anh, khi mà các hiện vật sưu tầm ngày một nhiều và cần phải có không gian mới để lưu giữ và trưng bày cho công chúng. Vị sáng lập bảo tàng và sau trở thành giám đốc đầu tiên là Richard Owen đã chọn KTS Francis Fowke để thực hiện bản thiết kế (1864), nhưng không lâu sau Francis Fowke đột ngột qua đời (1865), khiến cho dự án bị dang dở.








Phong cách kiến trúc Roman ở bảo tàng Lịch sử tự nhiên, Anh.

Một nhân vật khác đang nổi lên trong giới kiến trúc lúc bấy giờ là Alfred Waterhouse, đến từ Manchester, được giao trọng trách hoàn tất bản thiết kế của Fowke, nhưng Waterhouse thay đổi hoàn toàn bản thiết kế từ kiến trúc kiểu Phục Hưng của Fowke sang kiến trúc kiểu Roman mà ông ưa thích, nhưng vẫn dựa trên ý tưởng chủ đạo của nhà sáng lập bảo tàng là Owen, với các nét trang trí của kiến trúc bảo tàng phải là sự kết nối và làm đại diện cho các hiện vật trưng bày ở phần nội thất.

Các loài muông thú, cây cỏ, các giống động vật còn sống và kể cả đã tuyệt chủng được Waterhouse vận dụng đưa vào trang trí cho các chi tiết nội và ngoại thất của bảo tàng, đem lại một sự kết nối hoàn hảo, thể hiện đúng tinh thần bảo tàng mà Owen đặt ra.

Sự đột phá về chất liệu

Kiến trúc kiểu Roman của bảo tàng Lịch sử tự nhiên có một sự tương đồng với các kiến trúc xây dựng thánh đường, với phần cổng vòm cao rộng, dẫn lối vào sảnh chính. Tuy nhiên, điểm nổi bật dễ nhận ngay ở kiến trúc bảo tàng là phần mặt tiền, nơi Waterhouse tận dụng tối đa tài lẻ của mình là hoạ sĩ thiết kế (một ước mơ từ thời niên thiếu), để phác thảo và thực hiện các hình tượng muông thú, cây cỏ từ tự nhiên đưa vào trang trí cho kiến trúc, sử dụng chất liệu đất nung – một chất liệu mới trong trang trí kiến trúc lúc bấy giờ, vừa có giá thành rẻ so với các chất liệu khác như gỗ, đá, lại đáp ứng nhu cầu theo số lượng lớn, dễ thực hiện theo nhiều kiểu dáng, kích cỡ, chi tiết, mang độ bền và có thể chùi rửa, sơn phết được.








Các chi tiết trang trí bằng đất nung ở bảo tàng Lịch sử tự nhiên, Anh.


Trong thế giới kiến trúc, chính Waterhouse là người đi tiên phong trong việc ứng dụng chất liệu đất nung vào các công trình, từ sau khi bảo tàng Lịch sử tự nhiên hoàn tất, ở những năm 1890, phong trào sử dụng chất liệu đất nung được ứng dụng rộng rãi khắp Anh Quốc và Mỹ.

Đất nung cũng là chất liệu hút màu tốt, khó phai mờ, lại là một thuận lợi để Waterhouse thoả sức thể hiện tính cầu kỳ trong chi tiết trang trí cho bảo tàng, với sự phối hợp các mảng màu, các miếng ghép, cùng các chi tiết hoa văn đã hình thành nên một kiệt tác về trang trí kiến trúc nếu nhìn từ phần mặt tiền toà nhà. Đến phần nội thất, các chi tiết trang trí còn được đẩy lên một cung bậc mới, không chỉ là sự kết hợp của mảng miếng những màu sắc, mà được thể hiện thành từng bức tranh hoàn chỉnh có chủ đề về tự nhiên, cỏ cây, muông thú lên phần trần nhà, đem lại một không gian sống động, phá vỡ nhược điểm mảng tối của phần trần nhà cao trong các kiến trúc kiểu Roman vốn không hề có các chi tiết trang trí tranh vẽ như thế. Sự đột phá trong trang trí với các bức tranh trần nhà phối hợp với các bộ sưu tập trưng bày càng góp thêm cho không gian bảo tàng thêm phần sống động và đặc sắc.

Kết nối đương đại

Ở London hiện có hơn 3.000 bảo tàng (theo thống kê của hội Bảo tàng Anh), bảo tàng Lịch sử tự nhiên vẫn luôn nằm trong danh sách thăm viếng hàng đầu, ngoài bộ sưu tập đa dạng, độc đáo, việc mở cửa miễn phí cũng là một yếu tố thu hút khách tham quan. Thống kê của bảo tàng trong 12 tháng gần đây nhất, số lượng khách đạt 5 triệu lượt, đây là kỷ lục mới mà bảo tàng đạt được kể từ ngày mở cửa 18.4.1881.




Vòm trần của bảo tàng là các bức vẽ có chủ đề thiên nhiên.



Sự tương đồng với kiến trúc xây dựng thánh đường ở bảo tàng Lịch sử tự nhiên, Anh.







Các lối đi mới bằng các chất liệu hiện đại được thêm vào kiến trúc cũ của bảo tàng để thuận tiện hơn cho nhu cầu tham quan. 




Không gian được phân tầng mang thiết kế phù hợp và hài hoà với kiến trúc cổ.


Phòng ăn của bảo tàng cũng là một không gian đẹp và bề thế.


Phòng trưng bày hình ảnh tư liệu về thế giới đại dương.

Số lượng khách đến bảo tàng tăng, lượng hiện vật trưng bày cũng phải được thể hiện với những ứng dụng mới về công nghệ để đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu. Từ những nhu cầu thực tại, các không gian trưng bày của bảo tàng Lịch sử tự nhiên Anh luôn được làm mới, cùng là không gian cũ, diện tích không thay đổi, nhưng các phòng trưng bày được cải tiến, chẳng hạn như việc phân tầng ở khu trưng bày các hoá thạch khủng long, kiến trúc cổ được phối hợp với sắt thép, hình thành các lối đi để người xem có thể quan sát các hiện vật ở nhiều góc độ.

Không gian kết nối giữa các phòng trưng bày cũng được phân tầng, nối với nhau bằng các cây cầu vận dụng chất liệu từ gỗ, thép không gỉ, cáp chịu lực, với thiết kế rất phù hợp, không phá vỡ vẻ đẹp nguyên bản của tổng thể kiến trúc cổ, mà trái lại các mảng chi tiết này phối hợp với nhau rất hài hoà, tôn nhau lên để vừa tạo thuận lợi trong quá trình đi lại, vừa tránh gây đơn điệu, đem lại hiệu quả tối đa cho mỗi bước tham quan để rồi nói như ý tưởng chủ đạo của bảo tàng Lịch sử tự nhiên Anh với du khách là: “Những gì thấy được ở bảo tàng, sẽ là một ấn tượng không bao giờ quên”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...